Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020
Cảm xúc là thứ vứt đi!
" Hành động dựa trên cảm xúc rất dễ. Bạn cảm nhận. Bạn làm. Giống như gãi ngứa vậy. Có một cảm giác dễ chịu đi theo. Một sự thỏa mãn nhanh chóng. Nhưng sau đó sự thỏa mãn này cũng biến mất nhanh như cách nó đến vậy".
Nói nghe này, tôi biết bạn nghĩ rằng cảm giác buồn bực hay giận dữ hay lo lắng là quan trọng. Rằng chúng có ý nghĩa. Có thể bạn nghĩ rằng vì bạn cảm thấy như vừa bị ỉa vào mặt khiến bạn quan trọng. Nhưng không hề. Cảm xúc chỉ là những… thứ xảy ra thôi. Những ý nghĩa mà ta xây dựng xung quanh chúng - rằng cái gì quan trọng cái gì không - sau đó mới có.
Trong cuộc sống chỉ có hai lý do khiến ta làm bất kỳ điều gì: a) vì nó khiến ta cảm thấy tốt, hoặc b) vì đó là điều bạn tin là tốt hoặc đúng. Đôi lúc hai lý do này song hành với nhau. Một chuyện vừa khiến ta cảm thấy tốt VÀ là điều đúng đắn thì quả là tuyệt vời. Mở tiệc ăn bánh nào.
Nhưng thường thì, hai lý do ấy không đồng hành với nhau. Có những thứ đem lại cảm giác tệ hại nhưng lại là điều đúng/tốt (ngủ dậy lúc 5 giờ sáng và đến phòng tập gym, đi chơi với bà ngoại Joanie vào buổi chiều và đảm bảo rằng bà còn thở), hoặc thứ khiến ta cảm thấy tuyệt vời ông mặt trời nhưng lại là điều xấu/sai (hầu hết những việc dính líu đến dương vật).
Hành động dựa trên cảm xúc rất dễ. Bạn cảm nhận. Bạn làm. Giống như gãi ngứa vậy. Có một cảm giác dễ chịu đi theo. Một sự thỏa mãn nhanh chóng. Nhưng sau đó sự thỏa mãn này cũng biến mất nhanh như cách nó đến vậy.
Hành động dựa trên điều tốt/đúng rất khó. Với một người, biết điều gì là tốt/đúng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bạn thường phải ngồi lại và suy nghĩ kỹ lưỡng về nó. Thường ta sẽ mơ hồ với kết luận của mình hoặc đấu tranh với những động lực thấp hơn.
Nhưng khi ta làm điều đúng/tốt, hiệu ứng tích cực tồn tại lâu hơn. Ta cảm thấy tự hào khi nhớ về nó sau nhiều năm. Ta kể cho bạn bè và gia đình và tự thưởng một món quà nhỏ và vẽ bậy lên tường văn phòng làm việc và nói, “Ô! Là tôi làm đấy!” khi đồng nghiệp đến và hỏi tại sao lại có cái cúp hình con dê bắt dĩa frisbee trên tủ sách thế kia (đừng hỏi tôi vì sao).
Ý chính ở đây là: làm điều tốt/đúng xây dựng lòng tự trọng và thêm ý nghĩa vào cuộc sống của bạn.
“Hack” não
Vậy ta nên mặc kệ hết cảm xúc và lúc nào cũng chỉ làm điều tốt/đúng? Đơn giản thôi.
Cũng như ti tỉ thứ khác trong cuộc sống, điều ấy rất đơn giản. Nhưng đơn giản không nhất thiết đồng nghĩa với dễ dàng.
Vấn đề ở đây là não bộ không thích cảm giác mâu thuẫn trong việc đưa ra quyết định. Nó không thích sự thiếu chắc chắn hay mơ hồ và sẽ “nhào lộn” tinh thần để né tránh bất kỳ sự khó chịu nào. Và cách thức mà não bộ thích nhất là luôn cố gắng tự thuyết phục rằng điều gì cảm thấy tốt thì cũng giống với điều tốt/đúng.
Bạn biết rằng bạn không nên ăn kem. Nhưng não của bạn nói rằng, “Nè, mày vừa trải qua một ngày vất vả, ăn một chút không chết đâu.” Và bạn, “Hừm, chí lý! Cám ơn não!” Điều cảm thấy tốt tự nhiên cảm thấy đúng. Và sau đó bạn hớp ngay một hộp Cherry Garcia mà không hổ thẹn gì cả.
Bạn biết mình không nên gian lận trong khi thi, nhưng não của bạn nói rằng, “Mày phải làm hai công việc để chi trả học phi đại học, không giống như lũ cậu ấm cô chiêu trong lớp. Mày xứng đáng châm chước,” và rồi bạn địa đáp án của người khác và ngạc nhiên chưa, điều cảm thấy tốt cũng là điều cảm thấy đúng.
Bạn biết bạn nên đi bầu cử, nhưng bạn nói với bản thân rằng cái chế độ này thối nát rồi, ngoài ra, lá phiếu của bạn cũng chả có ích gì cả. Thế là bạn ngồi nhà và chơi với cái máy bay mới có khi còn không được phép bay trong khu phố. Nhưng kệ xác nó, ai quan tâm? Đây là nước Mỹ và mục đích sống ở đây là bội thực với bất kỳ điều gì bạn muốn. Giống như là bản bổ sung thứ sáu ấy.
Nếu bạn làm điều này trong thời gian đủ dài - nếu bạn tự thuyết phục rằng điều gì cảm thấy tốt cũng là điều tốt - thì não bộ của bạn sẽ thực sự trộn lẫn hai khái niệm đó lại. Não của bạn sẽ bắt đầu nghĩ rằng mục đích cuộc sống chỉ là để cảm thấy tuyệt vời, càng thường xuyên càng tốt.
Và một khi điều ấy xảy ra, bạn sẽ bắt đầu lừa gạt bản thân tin rằng cảm xúc của bạn quan trọng. Và một khi điều đó xảy ra, ờm…
Giờ nếu như bạn đang cảm thấy sai sai, hãy thử nghĩ kỹ lại một tí. Tất cả những điều rối tung rối mù trong cuộc sống của bạn, nhiều khả năng chúng như thế là vì bạn đã quá dựa dẫm vào cảm xúc. Bạn đã quá bồng bột. Hoặc quá tự cao và nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Cảm xúc có cách để làm điều đó bạn biết không? Chúng khiến bạn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Và tôi rất ghét khi là người nói với bạn rằng, không phải vậy.
Rất nhiều thanh niên ghét phải nghe điều này vì họ lớn lên với những người cha người mẹ tôn thờ cảm xúc của họ khi họ còn nhỏ, và bảo vệ những cảm xúc ấy, và cố gắng mua thật nhiều kẹo bắp và khóa học bơi để đảm bảo những cảm xúc ấy luôn tốt đẹp và được bảo vệ.
Điều đáng buồn là, những bậc phụ huynh ấy làm như vậy vì họ cũng quá dựa dẫm vào cảm xúc, vì họ không thể chịu nổi nỗi đau khi nhìn thấy con của mình gặp khó khăn, dù chỉ trong chốc lát. Họ không nhận ra rằng trẻ cần nghịch cảnh vừa đủ để phát triển nhận thức và cảm xúc, rằng trải nghiệm thất bại thực chất là điều dẫn đến thành công, rằng luôn có cảm xúc tốt cũng đồng nghĩa với chiếc vé hạng nhất bay đến tuổi trưởng thành không có bạn bè.
Đây là vấn đề với việc quản lý cuộc sống xung quanh cảm xúc:
1. Cảm xúc của bạn chỉ là của bạn.
Hoàn toàn chỉ có một mình bạn trải nghiệm những cảm xúc ấy. Cảm xúc không thể nói cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho mẹ bạn hoặc cho sự nghiệp của bạn hoặc cho chú chó nhà hàng xóm. Chúng không thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho môi trường. Hay điều gì là tốt nhất cho quốc hội tiếp theo của Lithuania. Chúng chỉ có thể nói ra điều gì là tốt nhất đối với bạn… và ngay cả điều đó còn gây tranh cãi.
2. Cảm xúc là nhất thời.
Chúng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc chúng xuất hiện. Cảm xúc không thể nói cho bạn biết điều gì tốt cho bạn vào tuần sau hay một năm sau hay 20 năm sau. Chúng không thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn khi bạn còn nhỏ hay đáng lẽ bạn nên học gì ở trường. Chúng chỉ có thể cho bạn biết điều gì là tốt nhất cho bạn ngay tại thời điểm này… và ngay cả điều đó còn gây tranh cãi.
3. Cảm xúc không chính xác.
Đã bao giờ bạn nói chuyện với một người bạn và nghĩ rằng bạn nghe họ nói điều gì đó rất kinh khủng rất xấu xa và bắt đầu giận dữ nhưng thực ra người bạn ấy không nói điều gì như vậy cả, bạn chỉ nghe nhầm? Hay đã bao giờ bạn rất ghen và bực bội với một người thân thiết vì một lý do hoàn toàn là tưởng tượng? Giống như là điện thoại họ hư và bạn bắt đầu nghĩ họ ghét bạn và chưa bao giờ thích bạn và chỉ đang lợi dụng bạn vì bạn có vé đi xem Boy George? Hay đã bao giờ bạn rất hào hứng theo đuổi một điều gì đó bạn nghĩ sẽ khiến mình trở thành một soái ca ngầu lòi nhưng sau đó nhận ra đó chỉ là một bài học nhớ đời, và bạn khiến rất nhiều người quan tâm đến mình giận dữ? Cảm xúc đôi khi rất xa vời so với sự thật. Và đó chính là vấn đề.
Tại sao vượt qua cảm xúc lại khó như vậy?
Những gì tôi vừa nói đều không hề mới không hề đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, có lẽ bạn đã từng cố gắng để vượt qua một số cảm xúc và xung động đáng ghét của mình nhưng thất bại.
Vấn đề ở chỗ khi bạn bắt đầu cố gắng kiểm soát cảm xúc, những cảm xúc ấy nhân bản lên. Giống như trò đập thỏ vậy. Chúng cứ trồi lên hết chỗ này đến chỗ khác.
Đó là vì ta không chỉ có cảm xúc với những trải nghiệm, ta còn có cảm xúc với những cảm xúc của mình. Tôi gọi đây là “siêu cảm xúc” và chúng hủy hoại mọi thứ.
Có bốn loại siêu cảm xúc: cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ (tự ghê tởm), cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt (tội lỗi), cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ (tự công bình), và cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt (tự cao/ái kỷ).
Để tôi xếp chúng vào một bảng nhỏ nhỏ xinh xinh cho bạn dòm:
SIÊU CẢM XÚC CỦA BẠN ĐÂY
Cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ
(Tự ghê tởm)
- Tự chỉ trích quá nhiều
- Hành vi lo âu/thần kinh
- Kìm nén cảm xúc
- Nhiều lần giả tốt bụng/lịch sự
- Cảm thấy dường như bạn có gì đó sai sai
Cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt
(Tội lỗi)
- Tội lỗi tột cùng và cảm giác dường như bạn không xứng đáng được hạnh phúc
- Liên tục so sánh bản thân với người khác
- Cảm giác như thể nên có gì đó sai, dù cho mọi chuyện vẫn ổn
- Có những chỉ trích và tiêu cực không cần thiết
Cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ
(Tự công bình)
- Phẫn nộ về luân lý
- Khinh bỉ người khác
- Cảm giác bạn xứng đáng có được điều gì đó mà người khác thì không
- Luôn tìm kiếm cảm giác nạn nhân và bất lực
Cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt
(Tự cao/Ái kỷ)
- Tự ca ngợi
- Đánh giá quá cao bản thân, đây là một nhận thức bản thân tích cực ảo tưởng
- Không thể chịu đựng được thất bại hay sự từ chối
- Né tránh đối đầu hoặc sự không thoải mái
- Luôn chỉ quan tâm đến bản thân
Siêu cảm xúc là một phần trong những câu chuyện ta kể với bản thân về cảm xúc. Chúng khiến ta cảm thấy hợp lý khi ghen. Chúng tán thưởng sự tự phụ của ta. Chúng vùi đầu ta vào những nỗi đau của mình.
Bản chất chúng là ý thức điều gì là hợp lý/không hợp lý. Đó là thỏa thuận của bãn thân trong việc ta nên phản ứng cảm xúc như thế nào và không nên phản ứng cảm xúc như thế nào.
Nhưng cảm xúc không trả lời những điều nên làm. Cảm xúc là đồ ngu, nhớ chưa?
Và thay vào đó, những siêu cảm xúc này có khuynh hướng xâu xét thâm tâm ta, và còn nhiều hơn thế nữa.
Nhưng có lẽ siêu cảm xúc tệ nhất lại là loại đang ngày càng phổ biến hơn: cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ. Người cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ luôn vui thích với một sự phẫn nộ công chính nhất định. Họ cảm thấy vượt trội vì những khó khăn của mình, rằng họ là người hy sinh trong thế giới khắc nghiệt này. Những kẻ thích nạn nhân hóa thái quá bản thân theo phong trào này chính là những kẻ muốn hủy hoại cuộc sống của người khác trên internet, là kẻ muốn diễu hành và báng bổ các chính trị gia hay doanh nhân hay người nổi tiếng đang cố gắng hết sức trong thế giới khó khăn, phức tạp này.
Rất nhiều xung đột xã hội mà ta đang trải qua hôm nay là kết quả của những siêu cảm xúc này. Những đám đông làm loạn ở cả hai bên cánh tả, cánh hữu tự coi bản thân là nạn nhân và là người đặc biệt với những nỗi đau và nghịch cảnh vô lý họ phải chịu đựng. Lòng tham gia tăng khi người giàu tự tán thưởng vì họ giàu, đi kèm với gia tăng lo âu và trầm cảm vì tầng lớp hạ lưu và trung lưu ghét họ vì bị bỏ lại phía sau.
Những lời này không chỉ là ta tự nói với mình mà còn là những lời truyền thông thêu dệt. Người chủ trì của một chương trình cánh hữu châm ngòi sự tự công bình, khiến người xem bị nghiện những nỗi sợ phi lý trí rằng xã hội loài người đang thối nát. Những trò đùa biếm họa chính trị bên cánh tả cũng tạo hiệu ứng tương tự, nhưng thay vì nỗi sợ, chúng khơi gợi trí khôn và sự ngạo mạn. Văn hóa người tiêu dùng thúc ép bạn đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc tốt rồi sau đó tán thưởng bạn với những quyết định ấy, trong khi đó tôn giáo khuyên nhủ ta cảm thấy tệ với việc ta đang cảm thấy tệ như thế nào.
Nếu bạn luôn cảm thấy tốt vì cảm thấy tốt, bạn sẽ chỉ quan tâm đến bản thân và cảm thấy mình vượt trội hơn những người xung quanh. Nếu cảm xúc tốt khiến bạn cảm thấy tệ về bản thân, bạn sẽ trở thành một cục tội lỗi và xấu hổ biết đi biết nói, nghĩ rằng bạn không xứng đáng với mọi thứ, không hưởng được gì cả, và không có gì giá trị để cho người khác hay cho thế giới xung quanh.
Và rồi có những người cảm thấy tệ vì cảm thấy tệ. Những “kẻ suy nghĩ tích cực” này sẽ sống trong nỗi sợ hãi rằng bất kỳ khổ sở nào cũng mang ý nghĩa bạn có gì đó cực kỳ sai. Đây chính là Vòng lặp Phản hồi Địa ngục mà rất nhiều người trong số chúng ta bị ép cuốn vào bởi nền văn hóa, gia đình và ngành công nghiệp tự lực nói chung.
Kiểm soát ý nghĩa, không phải cảm xúc
Để dẹp bỏ những câu chuyện trên ta cần quay trở lại với một sự thật đơn giản: cảm xúc không nhất thiết mang ý nghĩa gì cả. Chúng chỉ có ý nghĩa khi ta cho phép.
Có thể hôm nay tôi buồn. Nhưng có tới tám lý do khác nhau để lý giải vì sao tôi buồn hôm nay. Có thể một số lý do quan trọng còn lại thì không. Nhưng tôi được quyền quyết định những lý do ấy quan trọng đến mức nào - liệu những lý do ấy có chỉ ra điều gì về tính cách của tôi hay không hoặc đây chỉ là một ngày buồn như bao ngày buồn khác.
Đây là một kỹ năng thiếu thốn trầm trọng vào ngày nay: kỹ năng tách rời ý nghĩa ra khỏi cảm xúc, để quyết định rằng chỉ vì bạn có cảm xúc như thế này không có nghĩa cuộc sống của bạn là như thế ấy.
Cảm xúc là đồ vứt đi. Đôi lúc, điều tốt sẽ khiến bạn cảm thấy tệ. Đôi lúc, điều tệ sẽ khiến bạn cảm thấy tốt. Điều đó không thay đổi một sự thật rằng chúng vẫn tốt/tệ. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy tệ vì cảm thấy tốt vì một điều tệ và bạn sẽ cảm thấy tốt vì cảm thấy tệ vì một điều t… - nói nghe nè. Kệ xác nó. Kệ xác cảm xúc đi.
Điều này không có nghĩa bạn nên hoàn toản bỏ mặc cảm xúc. Cảm xúc vẫn quan trọng. Nhưng chúng quan trọng không phải vì lý do như ta nghĩ. Ta nghĩ chúng quan trọng vì chúng nói lên điều gì đó về ta, về thế giới, và về mối quan hệ giữa ta và cảm xúc ấy. Nhưng chúng không nói lên điều gì như thế cả. Không có ý nghĩa gì gắn liền với cảm xúc cả. Đôi lúc bạn bị tổn thương vì một lý do tốt. Đôi lúc vì một lý do tệ.
Và đôi lúc không vì lý do gì cả. Bản thân sự tổn thương là trung tính. Lý do là một thứ tách rời.
Vấn đề ở đây là bạn được quyền quyết định. Và rất nhiều người trong chúng ta hoặc là đã quên hoặc là chưa bao giờ nhận ra điều ấy. Nhưng ta quyết định những nỗi đau mang ý nghĩa gì. Cũng giống như ta quyết định thành công của mình bộc lộ điều gì.
Và nhiều khi, bất kỳ câu trả lời nào cũng sẽ khiến bạn đau khổ cắt da cắt thịt, ngoại trừ một. Và câu trả lời đó là: không gì cả.
Người dịch: Thợ săn tiền thưởng
FXchikka sưu tầm thông qua: https://tamlytoipham.com
Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020
Cách cài chỉ báo mở rộng lên MT4, MT5
Hướng dẫn cách cài chỉ báo mở rộng từ MQL5
Chỉ báo mở rộng từ MQL5 là gì?
Khi giao dịch forex, các trader thường sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chỉ báo. Trong nền tảng giao dịch Meta Trade đã cung cấp các chỉ báo phổ biến miễn phí như: MACD, MA, Bollinger Bands… được phân loại theo Trend, Oscillators, Volumes, Bill Williams, Custom. Tuy nhiên các chỉ báo kỹ thuật có sẵn trên Meta Trader vẫn không đầy đủ hoặc hiển thị không như mong muốn. Đó là khi bạn sẽ cần phải cài thêm chỉ báo mở rộng từ MQL5.
Chỉ báo mở rộng từ MQL5 là kho chỉ báo kỹ thuật miễn phí và có phí dành cho nền tảng giao dịch Meta Trader 4 và Meta Trader 5.
Bạn có thể tìm các chỉ báo phù hợp dành cho nền tảng giao dịch Meta Trader 5 tại link: https://www.mql5.com/en/market/mt5/indicator
Điều kiện để cài và sử dụng chỉ báo mở rộng trên MQL5
Để có thể cài và sử dụng chỉ báo mở rộng trên MQL5 bạn cần phải chuẩn bị:
Tài khoản giao dịch forex trên nền tảng giao dịch Meta Trader.
Tài khoản MQL5 miễn phí (Chỉ cho phép tải các chỉ báo miễn phí)
Nếu muốn sử dụng các chỉ báo mất phí bạn nên nạp sẵn tiền vào tài khoản MQL5 của mình
Hướng dẫn cài chỉ báo mở rộng từ MQL5
Cách 1: Tải chỉ báo kỹ thuật mở rộng từ MQL5
Bước 1: Tìm chỉ báo trên MQL5
Để tìm chỉ báo kỹ thuật, bạn mở link https://www.mql5.com và truy cập vào tài khoản MQL5/Market/Indicator.
Bạn đang có tài khoản giao dịch trên nền tảng giao dịch nào thì chọn Indicator trên nền tảng giao dịch đó (Meta Trader 4 hoặc Meta Trader 5)
Các chỉ báo trên MQL5 được phân chia theo các tab: Popular (Phổ biến), Last (Cuối cùng), Free (Miễn phí) và Paid (Đã thanh toán).
Ngoài ra, MQL5 cũng có bộ lọc chỉ báo theo các điều kiện: Loại chỉ báo, Mức giá tiền, Có ít nhất 4 sao, Được đánh giá, Chỉ báo cho thuê.
Các chỉ báo mở rộng trên MQL5 được phân loại theo: Trend, Oscillators, Channels, Levels, Patterns, Multi-timeframe, Multicurrency, Cluster, Volumes.
Ngoài ra để tìm một chỉ báo đã xác định, bạn cũng có thể nhập tên của chỉ báo đó vào ô tìm kiếm trên MQL5 để lọc ra các chỉ báo tương tự hoặc chính nó.
Bước 2: Tải về chỉ báo kỹ thuật mở rộng từ MQL5
Sau khi tìm được chỉ báo phù hợp trên MQL5, nếu chỉ báo đó phải mua, bạn có thể tải về bản dùng thử bằng cách bấm vào “Free Demo” hoặc bấm BUY để mua chỉ báo đó với giá tiền tương ứng.
Bạn có thể chọn thanh toán qua Visa, Paypal, Webmoney, Payments, hoặc MQL5 Coupons.
Nếu chỉ báo kỹ thuật của bạn là bản miễn phí, bạn chỉ cần bấm vào “Dowload” để tải về máy tính.
Một cửa sổ Pop-up hiện lên yêu cầu bạn xác nhận đã cài MetaTrader 5 hay chưa? Nếu chưa có, bạn bấm chọn “No, I have no MetaTrader 5” để cài đặt MT5 trước sau đó quay lại thực hiện các thao tác trên. Nếu đã cài, bạn bấm chọn “Yes, I have MetaTrader 5”.
Bấm tick vào “Always open these types of links in the associated app”/”Open MetaTrader5 Client Terminal”.
Như vậy là bạn đã tải xong chỉ báo kỹ thuật mở rộng từ MQL5. Chỉ báo sẽ tự động kích hoạt và cài đặt vào thư mục Market/Indicator trên nền tảng MetaTrader 5 của bạn.
Cách 2: Tải chỉ báo mở rộng trên MQL5 từ nền tảng giao dịch MetaTrader 5
Bước 1: Tìm chỉ báo mở rộng trên MQL5 từ nền tảng giao dịch MetaTrader5
Mở cửa sổ giao diện MT5 trên máy tính của bạn/View/Toolbox. Sau đó chọn tab “Market”/Indicator
Tương tự như khi tìm chỉ báo trên website của MQL5, tại đây bạn cũng có thể tìm chỉ báo theo phân loại: Trend, Oscillators, Multi-timeframe, …
Hoặc tìm kiếm theo bộ lọc (1): Most rated (Được đánh giá cao nhất), New (Mới), By price ascending (Giá tăng dần), By price descending (Giá giảm dần), Free (Miễn Phí).
Hoặc tìm kiếm theo tên (2): Bạn nhập tên chỉ báo muốn tìm vào ô tìm kiếm.
Bước 2: Tải về chỉ báo kỹ thuật mở rộng trên MetaTrader5
Trên cửa sổ giao diện MetaTrader 5, sau khi tìm được chỉ báo phù hợp, cũng tương tự như trên website MQL5, nếu chỉ báo đó là bản mất phí, bạn cũng có thể lựa chọn tải về bản demo hoặc mua ngay chỉ báo đó.
Sau khi chọn BUY, một cửa sổ hiện lên yêu cầu bạn đăng nhập vào tài khoản MQL5. Sau khi đăng nhập, bạn cũng thực hiện các bước thanh toán tương tự như trên website của MQL5.
Cũng như vậy, với bản miễn phí, bạn chỉ cần bấm “Dowload” để tải về ngay.
Sau khi tải xong, bạn cũng sẽ tìm thấy chỉ báo kỹ thuật của mình hiển thị trong mục Market/Indicator.
Áp dụng chỉ báo kỹ thuật vào biểu đồ trên MetaTrader 5
Để tìm chỉ báo kỹ thuật vừa tải về, bạn mở MetaTrader 5/View/Navigator/Indicator/Market
Để áp dụng chỉ báo vào biểu đồ, chọn chỉ báo vừa tải về/nhấn chuột phải/Attach to Chart/OK là chỉ báo tự động hiển thị trên biểu đồ.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về cách tìm kiếm, cài đặt và áp dụng chỉ báo kỹ thuật mở rộng từ MQL5 trên nền tảng giao dịch MetaTrader 5. Với bài viết hướng dẫn này, hi vọng bạn sẽ tìm kiếm được nhiều chỉ báo cần thiết giúp bạn thực hiện các chiến lược giao dịch một cách dễ dàng hơn.
Chúc các bạn giao dịch thành công!
*Nguồn sưu tầm Investing
Cách lập kế hoạch giao dịch hiệu quả
Khi tham gia giao dịch ngoại hối, bạn đã bao giờ lên kế hoạch chưa? Bạn lập kế hoạch giao dịch như thế nào? Và kế hoạch giao dịch của bạn có hiệu quả hay không? Đến với bài viết này, tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bạn cần câu trả lời cho những câu hỏi trên. Ngay bây giờ FXchikka sẽ cùng các bạn suy nghĩ để lập nên một bản kế hoạch giao dịch chi tiết và hiệu quả cho mình nhé.
Hãy nghĩ đến một ngày giao dịch của bạn (trong đó có cả việc sinh hoạt, học tập, làm công việc khác...), từ buổi sáng, khi mà bạn thức dậy cho đến buổi tối, trước khi bạn đi ngủ. Hãy viết ra cụ thể những gì bạn làm theo thứ tự thời gian mà bạn cho là phù hợp nhất với bản thân. Đừng nói với tôi là bạn giao dịch 24/24, vì chắc chắn điều đó sẽ giết chết bạn, rất nhanh thôi.
Bạn phải gạch đầu dòng từng thứ bạn sẽ làm trong một ngày. Với forex, thì lúc nào bắt đầu mở phần mềm giao dịch, phân tích và tìm hiểu thị trường để có quyết định vào lệnh hay không vào lệnh. Các công việc đó diễn ra trong vòng bao nhiêu phút? Với tôi, chỉ là 30 phút, khi mà phiên giao dịch Mỹ đóng cửa (lúc 6h sáng giờ Việt Nam). Sau đó, dù có lệnh hay không có lệnh được đưa vào thị trường, hãy tắt phần mềm và tiếp tục những công việc khác của mình.
Chỉ nên mở phần mềm khoảng ba lần một ngày (sáng, trưa và tối, sau khi bạn kết thúc các công việc khác và trước khi bạn nghỉ ngơi). Như vậy phù hợp với lối sinh hoạt ở Việt Nam nhất. Nói chung, bạn không nên ngồi cả ngày chỉ để nhìn cái biểu đồ khô khan, chắc chắn nó sẽ lạnh lùng mang tiền của bạn đi, bởi sẽ có vô vàn cảm xúc trong bạn mỗi khi biểu đồ lên xuống. Tóm lại, có hai điều bạn cần có trong kế hoạch giao dịch của mình:
Bạn phải gạch đầu dòng từng thứ bạn sẽ làm trong một ngày. Với forex, thì lúc nào bắt đầu mở phần mềm giao dịch, phân tích và tìm hiểu thị trường để có quyết định vào lệnh hay không vào lệnh. Các công việc đó diễn ra trong vòng bao nhiêu phút? Với tôi, chỉ là 30 phút, khi mà phiên giao dịch Mỹ đóng cửa (lúc 6h sáng giờ Việt Nam). Sau đó, dù có lệnh hay không có lệnh được đưa vào thị trường, hãy tắt phần mềm và tiếp tục những công việc khác của mình.
Chỉ nên mở phần mềm khoảng ba lần một ngày (sáng, trưa và tối, sau khi bạn kết thúc các công việc khác và trước khi bạn nghỉ ngơi). Như vậy phù hợp với lối sinh hoạt ở Việt Nam nhất. Nói chung, bạn không nên ngồi cả ngày chỉ để nhìn cái biểu đồ khô khan, chắc chắn nó sẽ lạnh lùng mang tiền của bạn đi, bởi sẽ có vô vàn cảm xúc trong bạn mỗi khi biểu đồ lên xuống. Tóm lại, có hai điều bạn cần có trong kế hoạch giao dịch của mình:
- Mở biểu đồ, phân tích biểu đồ, sau đó quyết định vào lệnh hay không vào lệnh (trong
phạm vi bài viết này tôi không nói đến stoploss hay take profit vì đó là thứ đương nhiên phải có), tắt phần mềm và đi làm công việc khác. Thời gian để làm công việc này, với tôi chỉ 30 phút mỗi sáng.
- Điều thứ hai bạn cần ghi nhớ, bạn càng ngồi lâu nhìn biểu đồ, bạn càng dễ vào những lệnh giao dịch ngu ngốc, bạn càng làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần, bạn càng làm tiêu tốn thời gian và tiền bạc của mình. Bạn đừng nôn nóng và có ý nghĩ rằng giao dịch càng nhiều thì kiếm tiền càng nhanh và càng nhiều vì đây là suy nghĩ của số đông những người thất bại.
Có hàng tỷ con người tham gia giao dịch trên thị trường mỗi ngày, cũng có nghĩa hàng tỷ cuộc sống sinh hoạt và làm việc khác nhau. Để lập một kế hoạch nào đó, bạn phải đảm bảo rằng kế hoạch đó phù hợp với sinh hoạt và công việc hàng ngày của mình. Để đảm bảo cho bạn có được một cuộc sống thuận tiện, vui vẻ và không bị chịu áp lực.
Tôi cũng như các bạn, những ngày đầu giao dịch, hầu như không có một phương pháp nào cố định cũng không có một kế hoạch nào cụ thể, tất cả chỉ làm theo theo cảm tính. Chính vì điều đó đã làm cho tài khoản rỗng túi rất nhanh và rất nhiều lần. Rồi tôi cũng được trải nghiệm qua đủ thứ phương pháp giao dịch và kế hoạch giao dịch của các vị "tiền bối" mà tôi học lỏm được. Tuy nhiên tài khoản của tôi vẫn "cháy". Tôi chán nản, thất vọng và hoang mang...
Cho đến một thời gian dài sau đó, tôi mới tìm được đúng những nguyên nhân thất bại đó là không phải do ai đó xúi dục, cũng không phải do sàn giao dịch lừa đảo hay do kế hoạch giao dịch của các bậc "tiền bối" không tốt, mà là do chính bản thân tôi. Tôi hiểu rằng giao dịch ngoại hối forex thành công không cần nhiều những thứ cao siêu ở đâu đó, mà là cần phải nhìn vào bản thân, hiểu bản thân và cố gắng kiểm soát được bản thân. Lúc này, sau khi tài khoản của tôi đã có chút ít lợi nhuận thì tôi vẫn luôn phải cố gắng rèn luyện cách kiểm soát bản thân, có lẽ còn phải rèn luyện nó hàng ngày cho đến khi "về hưu".
Khi bạn lập được kế hoạch giao dịch, hãy tuân thủ nó, áp dụng nó để xem nó vận hành có tốt hay không? Nếu nó tốt, hãy duy trì nó và đừng để bản thân mình phá hủy nó chỉ vì một chút biến động trên thị trường hay vì bất cứ lý do nào đó.
FXchikka xin phép được khuyên các bạn rằng, đừng bao giờ giao dịch mà không có kế hoạch. Vì một kế hoạch tốt được xây dựng sẽ giúp bạn đi đúng đường, giúp bạn hạn chế những cảm xúc tiêu cực và giúp bạn đi đến thành công. Sau khi đọc bài viết này, hãy xây dựng cho mình một kế hoạch phù hợp. Hãy viết xuống, dưới phần bình luận những điều bạn cần bổ sung vào kế hoạch giao dịch của mình nhé.
Chúc bạn thành công!
Bài viết liên quan:
- Rèn luyện kỷ luật trong giao dịch
Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020
Làm thế nào để tăng xác suất chiến thắng?
![]() |
WINNER |
Trong giao dịch ngoại hối, mọi lệnh giao dịch đều có tỉ lệ chiến thắng và thua lỗ là 50:50. Bạn không thể chiến thắng với 100% số lệnh của mình dù bạn có tin tưởng và mong muốn điều đó. Bạn không thể và không bao giờ có thể kiểm soát được thị trường, nhưng bạn có thể kiểm soát được bản thân mình. Vậy những yếu tố nào của bản thân mà bạn có thể kiểm soát để tăng lên khả năng thành công cho mình? Bài viết này, FXchikka xin đưa ra một vài yếu tố có thể giúp chúng ta tăng tỉ lệ chiến thắng.
Luôn chuẩn bị kỹ cho một kế hoạch giao dịch hiệu quả.
Có nhiều người trong chúng ta tham gia giao dịch mà không có một kế hoạch cụ thể nào cả, họ đơn giản chỉ vào lệnh theo linh cảm. Hoặc có nhiều bạn kết hợp đủ thứ phương pháp khác nhau dẫn đến không có một hướng đi nào cả. Với cách giao dịch như vậy cũng chẳng khác nào là cờ bạc cả. Cái bạn cần là chỉ một kế hoạch cụ thể, một phương pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch đó. Vì vậy bạn càng chuẩn bị tốt bao nhiêu cho kế hoạch giao dịch của mình, bạn sẽ càng tăng được tỉ lệ chiến thắng bấy nhiêu khi tham gia giao dịch với tiền thật. Sự chuẩn bị ở đây không chỉ là việc giao dịch demo mà đó còn là tích lũy kiến thức, kỹ năng hay từ những kinh nghiệm được chia sẻ từ những người đi trước.
Thử nghĩ đến việc khi bạn tham gia giao dịch mà không có sự chuẩn bị nào cả, không có kế hoạch giao dịch cụ thể nào cả, bạn sẽ thất bại rất nhanh. Hoặc bạn có kế hoạch nhưng lại chẳng hề tuân thủ nó chỉ vì những xúc cảm nhất thời khi thị trường biến động. Và như vậy mọi sự chuẩn bị trước đó của bạn đều trở thành ngu ngốc, lãng phí thời gian và công sức.
Cảm xúc là kẻ thù của mọi trader, thế nên mục tiêu chính của bạn là làm sao tránh được những quyết định dựa trên cảm xúc. Khi bạn lập kế hoạch giao dịch cho mình, hãy tuân thủ nó và biến nó trở thành "vũ khí" giúp bạn vượt qua cảm xúc, từ đó nâng cao tỉ lệ chiến thắng. Đây cũng là cách để bạn không bị căng thẳng khi giao dịch và cũng giúp bạn không vào lệnh nhiều và liên tục như một kẻ "nghiện" giao dịch.
Tuân thủ kỷ luật kể cả trong giao dịch demo.
Để thử nghiệm phương pháp giao dịch của mình, bạn phải sử dụng tài khoản demo trước khi đưa phương pháp giao dịch của mình vào giao dịch tiền thật. Và hãy giao dịch nghiêm túc trên màn hình máy tính chứ không phải trên màn hình điện thoại, vì khi bạn nhìn biểu đồ với tầm nhìn hạn chế trên điện thoại, bạn chẳng thể có một nhận định chính xác nào cả. Đừng sốt ruột và vội vàng đầu tư tiền thật, kể cả khi bạn có một lượng vốn lớn nhàn rỗi trong tay.
Tỉ lệ chiến thắng là bài toán về cách quản lý rủi ro.
Trong kế hoạch giao dịch, điều không bao giờ được thiếu đó là cách quản lý rủi ro. Bạn phải đặt ra một mức rủi ro nhất định mà bạn có thể chấp nhận được ở mỗi lệnh giao dịch. Thực hiện đặt stoploss đúng theo kế hoạch đó. Hãy "ghim" điều đó vào não bạn trước khi vào lệnh...
Hãy coi thị trường là một chiến trường và việc bạn tham gia thị trường là một trận chiến. Bạn không thể kiểm soát được thị trường nhưng bạn kiểm soát được bản thân mình. Bạn không biết được chính xác diễn biến tiếp theo của thị trường nhưng bạn có thể phân tích và hiểu về thị trường một cách tương đối thông qua biểu đồ giá. Đúng như khi bước vào một trận chiến thì "biết địch, biết ta - trăm trận, trăm thắng".
FXchikka xin phép chia sẻ một số yếu tố kể trên nhằm nâng cao xác suất thành công, tuy nhiên sẽ còn rất nhiều yếu tố khác nữa cần phải tìm hiểu thêm, các bạn hãy cho thêm những chính kiến của mình ở dưới phần bình luận nhé.
Chúc các bạn thành công!
Bài viết liên quan:
- Rèn luyện kỷ luật để hướng đến thành công
Trước khi bắt đầu giao dịch hãy loại bỏ những điều này khỏi tâm trí
Có rất nhiều quan điểm sai lầm được truyền bá trên các trang mạng xã hội, các website hay từ những khóa học đầu tư..., ở đây tôi xin phép được gọi chung là "các thánh chém". "các thánh chém" - họ luôn nói rằng giao dịch forex là kiếm tiền nhanh và dễ dàng, tuy nhiên họ cũng nói rằng để thành trader chuyên nghiệp là phải thật sự thông minh và hoàn thành các khóa học do họ giảng dạy. Rồi thì ở đó họ luôn nói về cách bắt đỉnh và bắt đáy trong giao dịch. Và khi bạn bị thua lỗ họ lại nói rằng bạn phải có số vốn lớn thì mới có thể làm giàu từ forex. Và còn rất nhiều điều vớ vẩn khác nữa họ tiêm nhiễm vào đầu các bạn hàng ngày.
Trong forex, điều quan trọng không phải là đi nhanh hay đi chậm, mà điều quan trọng là bạn phải đi đúng đường. Chính vì thế các trang mạng xã hội, các nhóm cung cấp tín hiệu hay các khóa học đầu tư... sẽ làm bạn bị nhiễu loạn thông tin và không biết đường nào mà đi. Nếu bạn là người mới giao dịch và còn thiếu kinh nghiệm giao dịch thì bạn cần phải thận trọng với những thông tin tràn lan trên mạng. Bạn cần phải lựa chọn kỹ càng những gì mình sẽ đọc và sẽ làm theo. Theo kinh nghiệm của tôi là hãy nhìn và làm theo các huyền thoại trong đầu tư như Warren Buffett, George Soros hay Jesse Livermore...
Bài viết này tôi xin phép đề cập đến những thực tế, những sai lầm chết người trong giao dịch mà bạn hay được "các thánh chém" trên mạng tiêm nhiễm vào đầu.
1- Giao dịch ngoại hối kiếm tiền rất nhanh.
==> Thực tế trong forex không phải là kiếm tiền nhanh như thế nào mà là không để mất tiền đã, bạn phải nhận thức được điều đó trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền. Khi bạn mong muốn kiếm tiền thật nhanh thì ngay lập tức bạn đã bước đi sai đường, bạn luôn kỳ vọng 100% các "lệnh" sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, cũng rất nhanh, các kỳ vọng này vỡ vụn và nhường chỗ cho thực tế khắc nghiệt, đó là khi số tiền trong tài khoản về con số 0.
==> Bài học ở đây là gì? Như Warren Buffett đã nói: " Nguyên tắc thứ nhất, không bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc thứ hai, không bao giờ được quên nguyên tắc một".
Vấn đề ở đây là chiến thuật quản trị rủi ro. Nếu trong tâm trí bạn luôn muốn kiếm tiền nhiều và thật nhanh thì bạn sẽ không có chiến thuật quản trị rủi ro nào cả. Trong thị trường này, khi bạn muốn chiến thắng các nhà giao dịch khác thì trước tiên bạn cần phải chiến thắng chính mình. Đó là, bạn phải biết định hướng tâm trí vào việc bảo vệ tài khoản của mình và để dành tiền đầu tư cho những cơ hội thật sự ngon ăn.
2- Giao dịch ngoại hối phải thật thông minh và nhanh nhẹn.
==> Thực tế trong forex không cần những điều đó nhiều đến thế. Thậm chí bạn cũng chẳng cần phải có bằng đại học chuyên ngành tài chính hay kinh doanh gì cả. Mà ngược lại, đôi khi chính vì có chỉ số IQ cao lại bị tác động quá nhiều bởi đủ thứ thông tin, đủ thứ chỉ báo kỹ thuật trên biểu đồ mà họ cho rằng như thế mới là cao siêu.
==> Người giao dịch thành công có thể không phải là người thông minh nhưng họ là bậc thầy trong việc quản lý cảm xúc của mình, họ luôn biết cách kiểm soát bản thân, họ không giao dịch bừa bãi và họ luôn có tính kỷ luật trước mỗi lệnh giao dịch.
3- Giao dịch ngoại hối là phải biết bắt đỉnh bắt đáy.
==> Thực tế giao dịch không phải là việc bắt được đỉnh hay đáy, mà là việc bạn đọc hiểu được biểu đồ giá.
==> Khi bạn biết cách đọc hiểu biểu đồ là lúc bạn biết được tâm lý thị trường và bạn dự đoán được tương đối chính xác hướng đi của thị trường. Vì vậy cơ hội kiếm tiền không nhất thiết là phải biết bắt được đỉnh và đáy.
4- Giao dịch ngoại hối cần phải có vốn lớn.
==> Thực tế là bạn không cần phải có nhiều tiền để bắt đầu giao dịch. Một nhà đầu tư giỏi luôn biết cách kiếm tiền từ bất cứ tài khoản lớn hay nhỏ. Nếu bạn không biết cách quản lý rủi ro thì dù bạn có một tài khoản với số vốn lớn thì bạn cũng mất tiền rất nhanh như với tài khoản vốn nhỏ mà thôi.
==> Cái bạn cần là học cách lập kế hoạch, rèn luyện kỹ năng và tâm lý giao dịch. Điều này luôn đúng để kiếm tiền dù tài khoản lớn hay nhỏ.
5- Bạn phải biết được chính xác những diễn biến trên thị trường.
==> Thực tế trong giao dịch, mọi dự đoán của bạn không bao giờ là chính xác 100%, mọi thứ chỉ là tương đối. Bởi có đến hàng trăm yếu tố có thể tác động đến thị trường. Một lệnh giao dịch hoàn toàn có thể đi ngược lại với dự đoán của bạn, dù bạn có tin tưởng nó 100%. Thế nên đừng cho rằng mình luôn luôn đúng, mà bạn cần phải hoàn thiện chiến thuật giao dịch của mình, hoàn thiện cách quản lý rủi ro và lợi nhuận. Để cho dù bạn có thua 4/10 lệnh thì bạn vẫn kiếm được tiền lời.
==> Hãy biết chấp nhận những lệnh thua mà cắt lỗ đúng lúc. Hãy nghĩ đến các lệnh thua như một loại chi phí bắt buộc để vận hành công việc này.
6- Bạn phải có một tỉ lệ thắng/thua cao thì mới kiếm được tiền.
==> Thực tế không nhất thiết phải như thế, cái bạn cần là biết cách tối đa hóa lợi nhuận.
Lấy ví dụ từ tỉ lệ risk/reward (rủi ro/lợi nhuận) cho mỗi lệnh giao dịch của bạn là 1:3. Điều này có nghĩa là bạn đặt rủi ro 1R (trong đó R là số đô la chấp nhận rủi ro) và kiếm được 3R (gấp 3 lần số đô la chịu rủi ro). Với tỉ lệ này thì bạn chỉ cần 25% số lệnh chiến thắng trong tổng lệnh giao dịch mà vẫn kiếm được tiền.
Ví dụ cụ thể bạn có 100 lệnh giao dịch, bạn thua 70 lệnh, với 10$ rủi ro cho mỗi lệnh thì như vậy bạn mất 700$. Với tỉ lệ risk/reward là 1:3 thì số tiền bạn thắng ở 30 lệnh còn lại là 30 x 30$ = 900$. Lợi nhuận của bạn sau 100 lệnh sẽ là 900 - 700 = 200$. Bạn vẫn kiếm được 200$ dù thua đến 70% số lệnh.
==> Đây là nghệ thuật của những phương pháp giao dịch đúng đắn. Đa phần các trader tin rằng họ phải có tỉ lệ thắng rất cao thì mới thành công và cố gắng đạt được chúng. Tuy nhiên điều đó là bất khả thi và không tốt cho tâm lý giao dịch chút nào.
7- Phải có robot tự động giao dịch thì mới thành công.
==> Thực tế thì chả có con robot nào giao dịch hộ bạn mà dẫn đến thành công cả vì nếu có thì chả ai lại bán nó đầy rẫy trên mạng như thế. Nếu việc giao dịch chỉ đơn giản là cài một con robot và để nó tự động vận hành thì ai cũng có thể làm được. Trở lại vấn đề của những người thông minh là họ ngồi nghĩ ra các con robot giao dịch, trong khi các nhà đầu tư thành công chả bao giờ mất thời gian nghĩ đến robot, họ tập chung cho hoàn thiện cách giao dịch đúng đắn và cách kiểm soát tâm lý của mình.
FXchikka xin phép nêu lên một vài điều sai lầm khi tham gia giao dịch. Trên con đường trở thành một trader chuyên nghiệp còn không ít những điều các bạn đúc rút được cho mình, mong các bạn cho mình thêm một vài gợi ý dưới phần bình luận nhé. Nếu các bạn thấy bài viết này có ích, cũng mong các bạn chia sẻ tới mọi người. Bởi những thứ cho đi không phải "để gió cuốn đi" mà là cái cách biến bạn trở thành một trader chân chính.
Chúc các bạn thành công!